NÉT ĐẸP VĂN HÓA MANG TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI GIA RAI

NÉT ĐẸP VĂN HÓA MANG TÍNH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI GIA RAI
23/09/2024 08:58 AM 9 Lượt xem

    Nói đến Tây Nguyên, người ta nghĩ đến vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã góp phần làm nên sự đa dạng trong một thể thống nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày 14-6, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Gia Rai, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã tái hiện lễ cúng lên nhà Rông mới. Đây là nét đẹp văn hóa mang tính cộng đồng vẫn được bà con buôn làng Gia Rai gìn giữ và coi trọng trong thời đại ngày nay.

    Sau phần nghi thức cúng và nhảy múa, uống rượu cần trong nhà Rông, đồng bào dân tộc Gia Rai xuống cây nêu ở sân vui hội chung niềm vui với khách mời. Ảnh: Nguyên Thanh

    Đồng bào dân tộc Gia Rai là một trong 54 dân tộc Việt Nam luôn chung sống đoàn kết bên nhau chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nhưng đồng bào vẫn giữ được sắc thái văn hóa riêng, làm nên sự đa dạng trong một thể thống nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam.

    Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, nhà Rông là biểu tượng của cộng đồng vô cùng quan trọng đối với đời sống tinh thần và đời sống tâm linh. Xây dựng nhà Rông, di dời hay tu sửa lại nhà Rông là công việc hệ trọng của cả làng, phải cùng ý nguyện và có sự nhất trí cao, có khi kéo dài hàng tháng, chuẩn bị hàng năm mới thực hiện được.

    Sau khi xây dựng mới hoặc tu sửa lại nhà Rông, phải tổ chức lễ cúng lên nhà Rông mới. Già làng Rah Lan Khun, ở xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Lễ cúng là dịp để cảm tạ thần linh (Giàng) đã phù trợ cho đồng bào có ngôi nhà mới, trợ giúp cho người dân bản làm ăn phát đạt, ấm no, hạnh phúc. Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của gia đình thông qua phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc”.

    Để buổi lễ được diễn ra, đồng bào Gia Rai thường phải chuẩn bị công phu như thời gian, vật liệu trồng cây nêu, vật hiến sinh (trâu, dê và heo), lương thực, thực phẩm khác. Nghi thức đầu tiên là chọn vị trí trồng cây nêu. Họ chọn một ghè rượu nhỏ và cắt tiết một con gà trống cúng báo với Giàng, xin phép mở hội. Các già làng đem bát tiết ra vị trí dựng nêu. Làng dựng 2 cây nêu, một cây để buộc trâu, còn một cây để buộc dê, cả hai con dê và trâu đều phải là con đực màu đen.

    Tại lễ cúng trên nhà Rông, những thanh niên, trai tráng trong làng thực hiện động tác gõ cồng, chiêng trong suốt buổi cúng để bày tỏ lòng thành kính với Giàng. Người cao tuổi nhất và hiểu biết nhất về phong tục dân tộc của làng được mời đến. Những người già, uy tín trong làng cũng được mời về, đại diện các gia đình cũng được tập trung ở lễ này gồm toàn đàn ông, không có đàn bà.

    Chủ lễ là già làng có uy tín với cộng đồng, am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt buổi lễ. Trước tiên là phần cúng dưới nhà gần chân cầu thang nhà Rông. Đây là lễ xua đuổi thần xấu, thần không tốt còn bám trên cây gỗ để làm nhà. Chủ lễ múc một ít nước vào bát đồng, vừa đọc lời cúng, vừa rót nhẹ vào ghè rượu cúng đến khi hết nước trong bát thì cũng dứt lời cúng.

    Sau đó, chủ lễ cùng hội đồng già làng và dân bản cùng lên nhà Rông mới bàn bạc các công việc, chuẩn bị các lễ vật để thực hiện lễ cúng trong nhà. Khi các lễ vật cúng trong nhà Rông đã được chuẩn bị sẵn sàng, chủ lễ rót rượu vào bát đồng, lấy một phần thịt bỏ vào bát đi ra cửa vừa đổ rượu, vừa đọc lời cúng, sau đó chủ lễ ra cửa chính để cúng.

    Chủ lễ quay lại chỗ cúng ban đầu, múc đầy nước vào bát, tạt nước vào nhà, vào mọi người với ý nghĩa cầu mong có cuộc sống hòa thuận, ấm no, hạnh phúc. Rồi chủ lễ vừa cúng, vừa đánh cồng chiêng, nhảy múa xung quanh ghè rượu. Kết thúc lễ cúng, cả làng vui vẻ uống rượu cần và chúc mừng chủ nhà.

    Khi men rượu cần đã “ngấm” vào cơ thể cũng là lúc phần hội được diễn ra với sự tham gia của toàn thể dân làng. Bà con sẽ vui vẻ hát, nhảy múa trong âm thanh của tiếng cồng, chiêng với tinh thần được giải thoát dưới sự che chở của thần nhà Rông, với niềm tin, niềm vui, sự say sưa cộng cảm của cả cộng đồng.

    Kết thúc lễ lên nhà Rông mới, đồng bào Gia Rai tiến hành lễ cúng bến nước. Với người dân tộc Gia Rai, bến nước cũng đồng nghĩa với làng, là những người cùng uống chung một nguồn nước. Đồng bào tin rằng ở mỗi khúc sông có một vị thần cai quản là Thần Nước (Yang Ia). Đồng bào quan niệm rằng: Cầu Yang Ia ban nguồn nước dồi dào để phục vụ canh tác, sản xuất mùa vụ bội thu, dân làng được ấm no, khỏe mạnh. Xin Yang Ia đừng trách phạt dân làng khi dân làng thực hiện việc dọn dẹp vô tình động đến nơi cư ngụ của Yang Ia.

    Kết thúc lời khấn, già làng nhận lấy quả bầu khô lấy nước đổ vào ghè rượu. Già làng là người đầu tiên uống rượu cần, sau đó lần lượt dân làng uống. Buổi lễ kết thúc trong âm điệu của vòng xoang với âm hưởng của nền nhạc từ các nhạc cụ dân gian và nhạc cụ dân tộc.

    0
    Shopee lazada tiktok Zalo Hotline